Thứ Ba, 25 tháng 1, 2011

Đau bụng ở trẻ em



Đau bụng ở trẻ em
Đau bụng là một trong những lý do khiến các bậc cha mẹ đưa con mình đến bệnh viện nhiều nhất. Việc đánh giá một cơn đau dạ dày có thể là một thử thách cho cả cha mẹ lẫn thầy thuốc.

Những nguyên nhân gây đau bụng ở trẻ em có thể thay đổi mức độ từ không quan trọng đến đe dọa tính mạng nhưng sự biểu hiện ra ngoài của trẻ chỉ khác nhau một ít. Tuy nhiên, có một điều may mắn là những cơn đau bụng của trẻ thường sẽ được cải thiện rất nhanh chóng. Việc khó khăn cho cha mẹ và các bảo mẫu là việc phân biệt đâu là những biểu hiện cần phải cấp cứu khẩn cấp, đâu là những biểu hiện không phải như vậy.
NGUYÊN NHÂN
  • Nhiễm trùng: nhiễm virus hoặc vi trùng đều có thể gây đau bụng như chúng ta vẫn thường hay thấy trong các cơn cảm cúm hoặc viêm dạ dày ruột. Nhiễm virus thường khỏi nhanh còn nhiễm vi trùng thì cần phải được điều trị bằng kháng sinh.
  • Liên quan đến thức ăn: ngộ độc thức ăn, dị ứng thức ăn, bội thực, ăn những thức ăn sinh hơi đều có thể gây căng bụng và khó chịu tạm thời.
  • Ngộ độc: trường hợp này có thể thay đổi từ nhẹ như ăn phải xà phòng đến nặng như nuốt những vật dụng kim loại hoặc dùng thuốc quá liều như Tylenol.
  • Bệnh lý ngoại khoa: bao gồm viêm ruột thừa và tắc ruột
  • Những bệnh lý khác: có thể nguyên nhân xuất phát từ những vùng không thuộc bụng. Chẳng hạn như trẻ có thể bị đau bụng do biến chứng của đái tháo đường hay do nhện độc cắn.
TRIỆU CHỨNG
Thường thì cha mẹ hoặc các bảo mẫu có thể được báo động khi trẻ đau bụng. Trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ có thể sẽ khóc, khuôn mặt biểu hiện sự đau đớn và cuộn người lại. Trẻ nhỏ thường sẽ tìm cách thông báo với bạn ngay lập tức nếu như trong người có điều gì đó thay đổi. Một số trẻ mới lớn có thể sẽ cảm thấy rất miễn cưỡng khi phải báo với cha mẹ về cơn đau của mình, và khi đó bạn cần phải hỏi cho được một lời giải thích rõ ràng về những gì chúng đang cảm thấy. Hãy hỏi trẻ những vấn đề sau:
  • Độ dài cơn đau: điều quan trọng cần nhớ là hầu hết những nguyên nhân gây đau bụng đơn giản không kéo dài quá lâu. Hầu hết những người trong chúng ta mỗi khi bị đau do đầy hơi thì cơn đau thường sẽ khỏi sau 12 – 24 giờ. Bất kỳ cơn đau nào kéo dài hơn 24 giờ đều cần phải được đi khám bệnh.
  • Vị trí của cơn đau: hầu hết các cơn đau do những nguyên nhân đơn giản đều có vị trí ở giữa bụng. Trẻ sẽ chà xát xung quanh rốn. Nếu các cơn đau xuất hiện ở những vùng khác đòi hỏi cần có một sự chú ý nhiều hơn, đặc biệt là những cơn đau ở khu vực thấp phía dưới bên phải bụng. Đau ở khu vực đó được cho là do viêm ruột thừacho đến khi có bằng chứng chứng minh là do nguyên nhân khác.
  • Biểu hiện của trẻ: thông thường, nếu như trẻ trông có vẻ rất mệt mỏi kèm với dáng vẻ đang đau đớn, bạn cần đưa trẻ đến bệnh viện. Hầu hết các vị bảo mẫu chỉ để ý thấy trẻ trông có vẻ rất mệt mỏi. Nhưng những dấu hiệu cần lưu ý khi trẻ bị đau bụng bao gồm tái nhợt, vã mồ hôi hoặc trẻ cảm thấy buồn ngủ hoặc bơ phờ.
  • Nôn ói: dấu hiệu này xảy ra cùng với đau bụng khá thường xuyên, nhưng nôn ói không luôn luôn là biểu hiện của một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.  Tuy nhiên, trong quá trình diễn tiến của bệnh, hầu hết những nguyên nhân đơn giản gây nôn thường sẽ khỏi rất nhanh chóng. Cần nhớ một quy luật là nếu như nôn ói kéo dài trên 24 giờ thì đó là lý do chính đáng để gọi cho bác sĩ.
  • Tính chất nôn: đối với trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ, nếu chất nôn có màu xanh hoặc vàng thì bạn nên đưa bé đi khám. Ở bất kỳ độ tuổi nào, nếu chất nôn có chứa máu hoặc những chất màu đen thì nên đến phòng cấp cứu gấp.
  • Tiêu chảy: triệu chứng này cũng thường hay gặp kèm với đau bụng và thường là một biểu hiện cho thấy virus chính là nguyên nhân gây bệnh. Có thể tiêu chảy trong khoảng 1 tuần nhưng thường kéo dài ít hơn 72 giờ (3 ngày). Nếu có máu trong phân thì bạn nên đưa trẻ đi khám bệnh ngay.
  • Sốt: sốt không phải lúc nào cũng là biểu hiện của tình trạng bệnh nặng. Thật ra thì có thể thấy những trường hợp nguyên nhân gây đau bụng là những bệnh nặng hơn nhiều nhưng nhiệt độ của trẻ vẫn bình thường.
  • Đau háng: có một vấn đề khá quan trọng là những trẻ nam có thể sẽ nói rằng chúng bị đau bụng nhưng thật ra là chúng đau ở vị trị nào đó khác. Ở bệnh xoắn tinh hoàn, là tình trạng tinh hoàn xoắn lại xung quanh chính nó và ngăn không cho máu đến nuôi. Trẻ có thể cảm thấy xấu hổ khi nhắc đến vị trí đó, do đó bạn nên hỏi chúng rằng có phải chúng đau ở “phía dưới” hay không. Vấn đề này có thể điều trị dễ dàng nếu phát hiện sớm. Do đó, nếu trẻ than đau ở khu vực háng hoặc tinh hoàn, hãy dẫn trẻ đi khám bệnh.
  • Bệnh đường niệu: đau bụng có thể liên quan đến những bất thường khi đi tiểu, nhưng tiểu đau hoặc tiểu lắt nhắt, có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng và là lý do đi đến khám bác sĩ.
  • Phát ban: có một số nguyên nhân nghiêm trọng gây đau bụng xảy ra cùng với phát ban. Nếu trẻ phát ban kèm với đau bụng thì nên liên hệ với bác sĩ ngay.
KHÁM & XÉT NGHIỆM
Đau bụng ở trẻ em do một số nguyên nhân, ảnh hưởng đến các hệ cơ quan khác nhau, mỗi hệ cần phải có mộthệ thống các xét nghiệm và các khám để chẩn đoán khác nhau. Các bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử và thăm khám, có thể bao gồm cả kiểm tra trực tràng để xem có máu hay không. Từ những thông tin trên, các bác sĩ có thể sẽ thực hiện tiếp những xét nghiệm khác.
  • Có thể bác sĩ sẽ phải lấy máu để gửi đến phòng xét nghiệm để làm công thức máu, kiểm tra chức năng gan, cấy máu, mức amylase/lypase. Bác sĩ cũng có thể sẽ lấy mẫu nước tiểu để phân tích và cấy.
  • Một mẫu phân cũng có thể được lấy để kiểm tra xem có máu, vi khuẩn hay ký sinh trùng bên trong hay không.
  • Các phương tiện chẩn đoán hình ảnh (X quang và những loại khác liên quan) có thể sẽ được dùng để kiểm tra vùng bụng.
    • Sử dụng siêu âm đối với bụng/tinh hoàn
    • Sử dụng CT scan đối với bụng
  • Một số phương tiện kiểm tra đặc biệt khác cũng có thể được làm dựa trên tình trạng của trẻ, bao gồm chụp hình có bơm hoặc nuốt barít cản quan, đo áp lực hậu môn hoặc khám khung chậu.
  • Trẻ cũng có thể sẽ được chuyển đến các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa hoặc các bác sĩ ngoại nhi để được điều trị thích hợp.
ĐIỀU TRỊ
Tại nhà
Cha mẹ và bảo mẫu nên theo dõi sát trẻ và liên hệ với nhân viên y tế để được giúp đỡ ở những thời điểm thích hợp. Theo dõi trẻ chặt chẽ đặc biệt là vào giai đoạn phục hồi cho đến khi trẻ cảm thấy khá hơn. Những trẻ mới lớn có thể sẽ không muốn bị làm phiền nhưng cũng cần phải được theo dõi.
  • Nghỉ ngơi: trẻ đang bị đau bụng thường sẽ cảm thấy dễ chịu hơn khi nghỉ ngơi. Nằm úp mặt có thể sẽ làm giảm đau do đầy hơn, nhưng tư thế tốt nhất là tư thế làm cho trẻ cảm thấy dễ chịu nhất.
  • Chế độ ăn: con người có thể sống được trong một thời gian dài không ăn nhưng cần phải uống nước để duy trì sự sống. Sự mất nước cần phải có thời gian đủ lâu để ảnh hưởng đến cơ thể, do đó việc bù dịch không phải lúc nào cũng cần thiết. Một trẻ đang bị nôn sẽ không thể giữ một lượng lớn nước. Các bác sĩ khuyên rằng nên cho trẻ uống một lượng nước nhỏ mỗi 15 đến 20 phút cho đến khi trẻ có thể uống nhiều hơn.
  • Loại dịch cần thiết: không nên cho nước hoặc sữa được đun sôi cho trẻ vì có thể sẽ gây ra những vấn đề nghiêm trọng về lượng muối trong cơ thể. Các bác sĩ khuyên dùng nhiều loại dịch khác nhau, như Pedialyte (bạn có thể mua ở nhà thuốc mà không cần toa). Cố gắng đưa trẻ về chế độ ăn bình thường càng sớm càng tốt. Lựa chọn tốt nhất cho những trẻ lớn hơn bao gồm nước gừng hoặc nước súp thịt. Tránh uống sữa, nước ép trái cây, đồ uống chứa carbonate nặng, cafe, và nước uống thể thao (như Gatorade) ở những bệnh nhân bị tiêu chảy vì ruột có thể sẽ không dung nạp được chúng. Nếu những trẻ lớn đòi uống nước nhẹ, tránh dùng những thức uống có cafe.
  • Thức ăn đặc: trẻ sẽ cho bạn biết lúc nào là thời điểm thích hợp để dùng thức ăn đặc. Bắt đầu chậm, ban đầu hãy cho trẻ ăn bánh mì mềm – và chuyến sang những thức ăn thường ngày nếu chúng dung nạp với thức ăn. Chuối và cơm cũng là những thức ăn thích hợp sau một giai đoạn kiêng cữ.
  • Thuốc: bạn có thể dùng acetaminophen (Aspirin Free, Children’s Silapap, Panadol, Liquiprin, Tylenol) để hạ sốt. Hầu hết các bác sĩ  vẫn tránh dùng aspirin trên trẻ em. Tránh dùng kháng sinh trừ khi có chỉ định của bác sĩ. Các bác sĩ cũng không khuyên dùng những loại thuốc từ cây cỏ hoặc những phương thuốc gia truyền khác. Nếu bạn dùng chúng trước khi đến gặp bác sĩ, hãy chắc chắn kể lại những gì bạn đã cho trẻ dùng, do chúng có thể ảnh hưởng đến việc điều trị.
Điều trị
Việc điều trị sẽ được tiến hành dựa trên bệnh sử, khám lâm sàng, kết quả các xét nghiệm, và trên cá nhân mỗi trẻ. Có thể việc điều trị chỉ đơn giản là cho trẻ về nhà và hướng dẫn nghỉ ngơi, bù dịch, ăn kiêng. Tuy nhiên, việc điều trị cũng có thể bao gồm cả nhập viện và phẫu thuật.
TIÊN LƯỢNG
Tiên lượng của triệu chứng đau bụng ở trẻ em thay đổi tùy theo nguyên nhân gây ra chúng. Hầu hết các trường hợp đau bụng nếu được điều trị sớm sẽ cho tiên lượng tốt, tuy nhiên nếu đau bụng không được chẩn đoán và điều trị có thể sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, vào giai đoạn sớm của bệnh, các bậc cha mẹ nên hợp tác tốt với bác sĩ nhi khoa và bệnh viện để bảo đảm trẻ nhận được sự chăm sóc tốt nhất.
Theo emedicinehealth – Y học NET dịch

Không có nhận xét nào:

Syria: Lính đánh thuê Nga từng thảm bại trước biệt kích Mỹ

Trọng Nghĩa Đăng ngày 28-05-2018  Sửa đổi ngày 28-05-2018 14:31 Lính Mỹ (t) và lực lượng nổi dậy Syria FDS tại tỉnh Deir Ezzor, ngày 01...