Chào bác sỹ Lý Việt,
Nhân ngày Thầy Thuốc Việt Nam 27/2 xin gửi lời chúc mừng tới bạn…và tất cả các y, bác sỹ lời chúc sức khoẻ.
Trong lịch sử y học nước nhà, tên tuổi của Lê Hữu Trác được nhắc đến như một bậc đại danh y tài năng xuất chúng, hết lòng thương yêu người bệnh. Ông xứng đáng là một tấm gương, một nhân cách cao thượng, một nhà tư tưởng, nhà thơ nhà văn nổi tiếng của dân tộc thế kỷ 21.
Di sản mà ông để lại cho hậu thế thật đồ sộ và quí giá, không chỉ là bộ sách “Hải thượng y tông tâm lĩnh” - cuốn sách gối đầu giường của bao thế hệ thầy thuốc mà còn là những lời giáo huấn và tấm gương ngời sáng về đạo đức của người thầy thuốc.
Đại danh y Lê Hữu Trác có tên khác là Lê Hữu Huân, sau lấy hiệu là Hải Thượng Lãn Ông sinh ngày 17/11 năm Canh Ngọ (27/12/1720). Quê nội của ông là làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Quê mẹ ông ở xã Sơn Quang, Hương Sơn, Hà Tĩnh. Ông chủ yếu sống và hoạt động y học tại quê mẹ.
Toàn bộ con người Lê Hữu Trác toát lên một nhân cách người Thầy thuốc vĩ đại. Nhân cách ấy thể hiện ở động lực, khát vọng mạnh mẽ là không ngừng học hỏi, nghiên cứu, đúc kết kinh nghiệm để giúp đời, giúp người. Mọi suy nghĩ, hành động của Lê Hữu Trác được soi rọi bằng ánh sáng của tình cảm yêu thương con người. Tình yêu thương ấy lớn đến mức quên mình, sẵn sàng xả thân cứu người như một bậc thánh nhân.
Chuyện kể rằng Lê Hữu Trác chữa cho một cậu bé con nhà thuyền chài nghèo bị mắc bệnh đậu mùa rất nặng, người bốc lên mùi xú uế, mỗi khi khám bệnh phải bỏ quần áo trên bờ, nhét bông vào hai lỗ mũi cho giảm bớt mùi khó chịu. Thế mà ông vẫn đi lại thăm khám, bốc thuốc chữa bệnh ròng rã hàng tháng trời. Đến khi cậu bé khỏi bệnh, không những ông không nhận một đồng thù lao nào mà còn cho gia đình cậu bé gạo, củi, dầu, đèn…
Có lần một nhà quyền quí mời ông chữa bệnh, thấy ông đến muộn mới hỏi thì được biết trên đường đi, ông ghé vào chữa bệnh cho một người nghèo. Bị trách, ông đáp vì bệnh của người quyền quí là bệnh nhẹ, có thể chữa sau, còn người nghèo kia mắc bệnh nặng nên không thể trì hoãn.
Năm 1782, được chúa Trịnh Sâm mời ra để chữa bệnh cho Thế tử Trịnh Cán, trước cảnh phủ chúa xa hoa lộng lẫy, ông không hề mảy may động tâm mà chỉ mong sao sớm được trở về quê mẹ để sống cuộc sống tự do thanh thản. Lãn Ông tâm sự:
“Thiện tâm cốt ở cứu người
Sơ tâm nào có mưu cầu chi đâu
Biết vui nghèo cũng hơn giàu
Làm ơn nào phải mong cầu trả ơn…”
Trong bộ sách đồ sộ “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” gồm 66 quyển, Lê Hữu Trác dành hẳn một chương (phần “Y huấn cách ngôn”) để nói về đạo đức của người thầy thuốc. Bậc đại danh y đã vạch trần, cảnh báo, phê phán một cách nghiêm khắc những biểu hiện thiếu y đức của thầy thuốc. Phải chăng ở thời ông, y đức cũng có những biểu hiện suy đồi? Ông đã nêu ra 8 tội người thầy thuốc cần tránh.
Những lời di huấn của bậc đại danh y đến nay vẫn nóng hổi tính thời sự, nhiều thầy thuốc đã học tập và làm theo những lời di huấn quý báu đó, nhưng cũng còn không ít thầy thuốc chưa thông cảm với nỗi đau của người bệnh, chưa coi “trị bệnh cứu người” là mục tiêu theo đuổi trong suốt cuộc đời người thầy thuốc.
Tình trạng bác sỹ, nhân viên y tế nhận “phong bì” của bệnh nhân, từ đó đã nảy sinh sự đối xử thiếu công tâm của người thầy thuốc. Công luận đã lên tiếng về tình trạng này, nhưng hiện tượng suy thóai đạo đức đó chưa được đẩy lùi triệt để trong ngành y.
Một số ý kiến cho rằng nguyên nhân của tình trạng trên xuất phát từ việc lương bác sỹ thấp, không đủ sống, viện phí thấp… nên buộc phải nhận tiền từ bệnh nhân, dù không muốn. Một cán bộ của ngành y tế cho rằng vì cơ chế “hai giá”, chênh lệch lớn giữa chi phí khám bệnh nhà nước và tư nhân nên người dân sẵn sàng lót tay thêm một ít để được phục vụ trước.
Thậm chí có người còn cho rằng bệnh nhân và người nhà đã tự đưa phong bì “làm hư bác sỹ”, vì bác sỹ có đòi hỏi đâu, không đưa thì thôi. Thực ra đó chỉ là những cách nói ngụy biện.
Lý do quan trọng nhất là sự suy thoái về y đức, nằm trong sự suy thoái của đạo đức xã hội nói chung. Cho dù lương bác sỹ còn thấp, nhưng không thể chấp nhận việc bác sỹ nhận tiền riêng của bệnh nhân, để từ đó có sự phân biệt đối xử, nhất là đối với bệnh nhân nghèo; điều đó hoàn toàn trái với lương tâm và y đức người thầy thuốc.
Một số bác sỹ, nhân viên y tế có thái độ đối xử thiếu lịch sự, thậm chí quát mắng bệnh nhân, kể cả đối với người già, nhưng khi bị phê phán thì cho rằng do “áp lực công việc”.
Hiện nay, nhiều học sinh giỏi đăng ký thi vào các trường đại học, học viện y khoa. Điểm chuẩn của một số trường Y ở mức cao kỷ lục. Đó là tín hiệu đáng mừng. Nhưng không biết những học sinh thi vào nghề y đó có bao nhiêu vì lý tưởng chữa bệnh cứu người cao đẹp, bao nhiêu chọn nghề này vì mong muốn có thu nhập cao? Nếu không có động cơ đúng đắn ngay từ khi chọn thi vào ngành y, thì điều đó tất yếu dẫn đến sự suy thóai về y đức khi hành nghề.
Tôi không dám phủ nhận những đóng góp to lớn của ngành y nói chung và các thầy thuốc nói riêng. Xã hội ta ngày nay vẫn còn những tấm gương thầy thuốc giữ trọn y đức và rất đáng biểu dương, khen thưởng để nêu gương sáng cho các đồng nghiệp. Tuy nhiên, cũng cần nhìn thẳng vào sự thật để thấy được tình trạng suy thoái y đức hiện nay đã đến mức đáng quan ngại và cần được khắc phục kịp thời bằng những biện pháp đồng bộ và thiết thực.
Hiện nay các bệnh viện đều treo khẩu hiệu “Thầy thuốc như mẹ hiền” cùng “12 điều y đức” của Bộ Y Tế. Ảnh và tượng đài Lê Hữu Trác cũng được treo, dựng ở nhiều nơi. Nhưng y đức xem ra vẫn chưa thực sự được thấm nhuần, mà nạn nhân không ai khác là những người nghèo không may mắc bệnh. Nhân ngày 27/2, nhắc lại tấm gương y đức của bậc đại danh y, hy vọng y đức nước nhà sẽ được vun đắp tốt đẹp hơn.
Phan Sơn (TP.HCM)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét