Thứ Năm, 3 tháng 3, 2011

ĐAU BỤNG

Nguồn : www.emedicinehealth.com

ĐẠI CƯƠNG

Đau bụng có nhiều loại khác nhau : từ một cơn đau nhẹ đến một cơn đau cấp tính gay gắt. Cơn đau thông thường không đặc hiệu và có thể xuất hiện từ nhiều tình huống khác nhau. Trong ổ bụng có rất nhiều cơ quan, đôi khi cơn đau liên quan trực tiếp đến một cơ quan nào đó (VD như bàng quang hoặc buồng trứng). Thông thường thì các cơn đau bụng có nguồn gốc từ hệ tiêu hóa. Ví dụ như cơn đau có thể do viêm ruột thừa, co thắt bụng trong tiêu chảy, hoặc ngộ độc thực phẩm.
Loại và vị trí của cơn đau có thể giúp cho người bác sĩ phát hiện ra nguyên nhân của nó. Ngoài ra, cường độ cơn đau và khoảng thời gian đau cũng quan trọng không kém. Sau đây là một vài đặc điểm chung của các cơn đau bụng :

Cơn đau có thể xuất hiện đột ngột, hoặc từ từ tăng dần, đau nhói, đau thắt, đau như bị dao đâm, đau xoắn, quặn . . .
Cơn đau có thể xuất hiện trong một thời gian ngắn, khoảng vài phút và sau đó biến mất, hoặc có thể kéo dài dai dẳng. Đôi khi, một cơn đau đang âm ỉ có thể tăng cường độ, trở nên dữ dội trong một thời gian ngắn, sau đó giảm đi, đau âm ỉ trở lại.
Cơn đau có thể khiến bạn phải nôn ói ra ngoài, sau khi nôn ói, cơn đau có thể giảm, đôi khi không.
Cơn đau có thể khiến cho bạn phải nằm một chỗ, không muốn cử động. Hoặc có thể nó khiến bạn cảm thấy bồn chồn, không yên, phải đi qua đi lại. 


NGUYÊN NHÂN

Nhiều bệnh cấp hoặc mãn tính có thể gây đau bụng
Khi đau bụng, người bệnh có thể nghĩ nhiều đến các khả năng : viêm ruột thừa, bệnh túi mật, loét, bệnh truyền nhiễm và có thai.
Bác sĩ cũng nghĩ đến các khả năng trên, ngoài ra còn có : đứt mạch máu, bệnh tim, viêm gan hoặc viêm tụy, sỏi niệu, các bất thường của sự lưu thông trong ruột, túi thừa . . .
Các cơn đau ở bụng đôi khi có các nguyên nhân không bắt nguồn từ bụng :

  • Một vài bệnh về tim và phổi cũng có thể gây đau bụng
  • Bệnh ở khung xương chậu và háng cũng có thể làm tổn thương bụng
  • Ngay cả một số chất độc, chẳng hạn như từ vết cắn của loài nhện quá phụ áo đen, cũng có thể gây ra một cơn đau bụng dữ dội
Chỉ có thể tìm ra được nguyên nhân của khoảng 50% các cơn đau bụng. Số còn lại, không tìm thấy được một nguyên nhân cụ thể nào, nhưng cơn đau có thể biến mất trong vòng 1 giờ hay một ngày. Nếu cơn đau kéo dài dai dẳng, thông thường sẽ tìm ra được nguyên nhân.

TRIỆU CHỨNG

Đau bụng là một triệu chứng. Tức là có nghĩa là cơ thể bạn đang gặp rắc rối, cần phải điều trị.
Đau bụng có thể xuất hiện cùng lúc với các triệu chứng khác. Bạn nên cố gắng theo dõi các triệu chứng vì nó sẽ giúp ích rất nhiều cho các bác sĩ trong việc tìm ra nguyên nhân cơn đau của bạn.


KHI NÀO CẦN ĐI GẶP BÁC SĨ

Đi khám bác sĩ ngay khi bạn có các dấu hiệu sau :

  • Cơn đau kéo dài trên 6 giờ hoặc trở nên tồi tệ hơn
  • Cơn đau khiến bạn phải dừng bữa ăn giữa chừng
  • Đau và nôn ói trên 3 hoặc 4 lần
  • Đau tăng khi bạn di chuyển
  • Ban đầu đau toàn bụng nhưng sau đó khu trú lại tại một vị trí, đặc biệt là ở phần bụng dưới bên phải.
  • Cơn đau là bạn tỉnh giấc giữa đêm.
  • Cơn đau xuất hiện chung với chảy máu âm đạo (tính luôn trường hợp bạn nghĩ rằng bạn có thai) 
  • Đau và sốt trên 101°F (hix, tới đây quên mất cách chuyển từ độ F sang độ C rùi, có ai chuyển giùm với :neo: )
  • Đau đi kèm với không đi cầu, đi tiểu và đánh hơi được.
  • Tất cả những cơn đau mà bạn cảm thấy khác với một cơn đau bụng thông thường.
  • Tất cả những cơn đau làm bạn lo lắng.
Nếu bạn có một trong các dấu hiệu sau đây, hoặc không thể đến được bác sĩ, hãy đến một trung tâm cấp cứu gần nhất :
  • Cơn đau khủng khiếp nhất từ trước đến giờ, hoặc một cơn đau rất dữ dội.
  • Cơn đau khiến bạn bất tỉnh hoặc gần như bất tỉnh.
  • Đau không cử động được
  • Đau và nôn ra máu, hoặc nôn ói ra đồ ăn đã tiêu hóa cách đây 6h đồng hồ.
  • Đau và không đi cầu được trên 3 ngày
  • Cơn đau giống với một cơn đau khác khiến bạn phải mổ trong quá khứ. 
  • Bạn nghĩ rằng cơn đau bắt nguồn từ ngực, nhưng không chắc lắm
  • Cơn đau bắt nguồn từ tinh hoàn đi lên (đối với nam).

Khám và xét nghiệm

Tìm ra nguyên nhân của các cơn đau bụng là một trong những vấn đề khó nhất của các bác sĩ
  • Đôi khi tất cả những gì người bác sĩ có thể làm là kiểm tra để bảo đảm rằng bạn không cần phải phẫu thuật hoặc nhập viện
  • Một kết quả chẩn đoán “đau bụng không kèm viêm phúc mạc” có nghĩa là bạn không cần phải mổ hoặc dùng kháng sinh.
Có thể bác sĩ sẽ hỏi bạn những câu hỏi sau (hoặc những câu hỏi tương tự) để xác định nguyên nhân. Một vài câu có vẻ hơi ngớ ngẩn, nhưng bạn hãy cố gắng trả lời càng chính xác, càng hoàn chỉnh càng tốt. Các câu trả lời của bạn sẽ giúp các bác sĩ tìm ra được nguyên nhân của cơn đau dễ dàng hơn và sớm hơn :
  • Bạn đau bao lâu rồi ?
  • Bạn đang làm gì khi cơn đau xuất hiện ?
  • Trước khi cơn đau xuất hiện bạn cảm thấy như thế nào ?
  • Vài ngày trước khi cơn đau xuất hiện, bạn có cảm thấy cơ thể bình thường không ?
  • Bạn có cố gắng làm cơn đau dịu đi không ? Và cách làm của bạn có hiệu quả không ?
  • Cơn đau làm bạn phải nằm một chỗ hay cựa quậy ? 
  • Chuyến đi đến BV như thế nào ? Sự di chuyển của chuyến đi có làm bạn đau ? 
  • Cơn đau có tăng lên khi ho ?
  • Bạn có nôn ói không ?
  • Sau khi nôn bạn có cảm thấy khá hơn hay tệ hơn (về cơn đau) ?
  • Bạn có đi cầu bình thường ?
  • Bạn có đánh hơi được không ?
  • Bạn có sốt không ?
  • Bạn đã từng đau như thế này lần nào chưa ? Vào lúc nào ? Lúc đó bạn đã làm gì ?
  • Bạn đã từng phải phẫu thuật chưa ? Phẩu thuật gì ? Lúc nào ?
  • Bạn có thai không ? Bạn có sử dụng các biện pháp kế hoạch hóa ?
  • Những người xung quanh bạn, có ai bị đau giống bạn ?
  • Gần đây bạn có đi du lịch nước ngoài ? 
  • Lần cuối cùng bạn ăn là khi nào ? Ăn cái gì ?
  • Bạn có ăn gì lạ gần đây không ?
  • Ban đầu cơn đau có xuất hiện ở khắp bụng, sau đó khu trú lại ở một vùng nhất định không ? 
  • Cơn đau có lan lên ngực ? Ra sau lưng ? Hoặc nơi khác ?
  • Khu vực bị đau có nằm gọn trong lòng bàn tay, hoặc rộng hơn ?
  • Khi thở bạn có đau không ? 
  • Bạn có bị bệnh tim ? Tiểu đường ? AIDS ?
  • Bạn có sử dụng steroid ? Thuốc giảm đau như aspirin hay Motrin ?
  • Bạn có sử dụng thuốc kháng sinh ? Không có đơn bác sĩ hoặc thuốc ta ? 
  • Bạn có uống rượu ? Café ? Trà ?
  • Bạn có hút thuốc ?
  • Bạn có sử dụng cocaine hoặc các thuốc gây nghiện khác ?
Khám lâm sàng sẽ bao gồm các thao tác kiểm tra kỹ càng về bụng, tim và phổi để xác định nguồn gốc của cơn đau.
  • Người khám sẽ sờ những phần khác nhau của bụng để kiểm tra độ mềm hoặc các dấu hiệu khác chỉ ra nguồn gốc cơn đau.
  • Người khám có thể khám hậu môn để phát hiện các khối máu ẩn bên trong hoặc những bất thường khác.
  • Nếu bạn là nam, bác sĩ có thể sẽ kiểm tra dương vật và tinh hoàn.
  • Nếu bạn là nữ, bác sĩ sẽ kiểm tra khung chậu để phát hiện các bất thường của tử cung, ống dẫn trứng và buồng trứng.
  • Bác sĩ cũng có thể khám mắt bạn xem có vàng không (bệnh vàng da) và kiểm tra miệng xem có bị khô hay không.
Các xét nghiệm góp phần rất nhỏ trong việc chẩn đoán. Tuy nhiên, có thể bạn sẽ phải làm xét nghiệm máu và nước tiểu.
  • Xét nghiệm quan trọng nhất là kiểm tra xem người phụ nữ có thai hay không.
  • Tăng bạch cầu có thể là do nhiễm trùng hoặc chỉ là phản ứng của cơ thể với cơn đau và sự nôn ói.
  • Sự sụt giảm số lượng máu (Hemoglobin – Hb) có thể chỉ ra rằng bên trong cơ thể bạn đang bị chảy máu, nhưng hầu hết các trường hợp liên quan đến chảy máu thì không gây ra cơn đau.
  • Máu xuất hiện trong nước tiểu, thường không phát hiện được bằng mắt thường, có thể gợi ‎ý một trường hợp sỏi niệu.
  • Các xét nghiệm máu khác, như men gan, men tụy, có thể xác định các cơ quan bị liên quan, nhưng không xác định chẩn đoán.
Các xét nghiệm hình ảnh thậm chí còn ít hữu dụng hơn.
  • Đôi khi, X-quang có thể cho thấy khí ở bên ngoài ruột, có nghĩa là ruột bị thủng ở đâu đó
  • X-quang cũng có thể giúp phát hiện sự tắc nghẽn ở ruột.
  • Đôi khi, X-quang còn cho thấy sỏi niệu.
Siêu âm là một phương pháp không gây đau đớn và hữu ích trong việc tìm kiếm vài nguyên nhân của các cơn đau bụng
  • Siêu âm có thể được thực hiện nếu bác sĩ nghi ngờ có vấn đề về túi mật, sỏi mật, tụy, gan hoặc cơ quan sinh sản nữ.
  • Siêu âm còn giúp xác định các vấn đề ở hệ niệu và lách, hoặc các mạch máu lớn bắt nguồn từ tim và cung cấp máu cho phân nửa phần thân dưới.
CT scan là một dạng đặc biệt của X-quang có thể cung cấp những thông tin hữu ích về gan, tụy, thận và niệu quản, lách, ruột non và ruột già, bao gồm cả bệnh viêm ruột thừa và bệnh túi thừa.
Có thể bác sĩ sẽ không cho bạn đi xét nghiệm. Nguyên nhân của cơn đau có thể được phát hiện mà không cần các xét nghiệm và chúng không nghiêm trọng. Nếu bạn phải làm các xét nghiệm gây đau đớn, các bác sĩ sẽ giải thích kết quả cho bạn. 

Điều trị

Hầu hết các cơn đau bụng tự biến mất mà không cần điều trị.

Chăm sóc tại nhà

Các cơn đau bụng không có sốt, ói, chảy máu âm đạo, bất tỉnh, đau ngực và các dấu hiệu nghiêm trụng khác thường sẽ đỡ hơn mà không cần các điều trị đặc hiệu.
  • Nếu cơn đau dai dẳng hoặc bạn cho rằng cơn đau là do một nguyên nhân quan trọng, bạn nên gặp bác sĩ.
  • Một chiếc khăn ấm hoặc ngâm người trong nước ấm có thể sẽ làm bạn cảm thấy dễ chịu hơn.
  • Sử dụng các thuốc kháng acid không có toa bác sĩ , như là Tums, Maalox, hoặc Pepto-Bismol, cũng có thể gây đau bụng. 
  • Có thể sử dụng Acetaminophen ( nó còn có các tên thông dụng là thuốc viêm khớp, thuốc giảm đau, Aspirin Free Anacin, Panadol, Liquiprin, Tylenol), cố gắng tránh aspirin hoặc ibuprofen ( tên thông dụng là Advil, Motrin, Midol, Nuprin, Pamprin IB ). Chúng có thể làm một số cơn đau trở nên tồi tệ hơn.
Điều trị tại bệnh viện

Phương pháp điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân của cơn đau mà người bác sĩ nghĩ đến.
Bạn có thể sẽ được truyền nước biển (truyền tĩnh mạch). Bác sĩ có thể yêu cầu bạn không ăn hoặc uống cho đến khi xác định được nguyên nhân của cơn đau
Bạn sẽ được cho thuốc :
  • Đối với cơn đau do co thắt ruột, bạn sẽ được chích ở mông, tay hoặc chân.
  • Nếu bạn không bị nôn, bạn có thể được cho uống thuốc có chất kháng acid, hoặc thuốc giảm đau.
  • Mặc dù cơn đau có thể không hết hoàn toàn, bạn có quyền được cảm thấy thoải mái và nên yêu cầu thuốc giảm đau cho đến khi bạn cảm thấy thoải mái.
Bác sĩ cấp cứu sẽ yêu cầu những bác sĩ chuyên khoa khác như sản khoa, dạ dày-ruột, ngoại khoa, niệu khoa khám cho bạn.

Phẫu thuật

Một vài dạng đau bụng có thể phải phẩu thuật.
  • Nếu cơn đau bắt nguồn từ một cơ quan nội tạng bị nhiễm trùng, như ruột thừa, túi mật, bạn sẽ phải nhập viện và được mổ.
  • Tắc ruột đôi khi cần phẫu thuật, tùy thuộc vào nguyên nhân tắc nghẽn.
  • Nếu cơn đau bắt nguồn từ các cơ quan bị thủng hay loét, như ruột hoặc dạ dày, bạn buộc phải phẩu thuật ngay lập tức và được đưa trực tiếp đến phòng mổ.

Sau điều trị

Nếu bạn được cho về nhà sau khi khám, bạn sẽ được hướng dẫn những gì bạn có thể ăn và uống được, những gì không thể, uống thuốc gì. Bạn cũng sẽ được nhắc nhở những trường hợp mà bạn nên nhập viện ngay khi gặp phải.
Nếu không được hướng dẫn gì cả, bạn nên theo các hướng dẫn sau :
  • Ngay khi bạn muốn ăn, bắt đầu với nước lọc
  • Nếu nước lọc không gây đau hoặc nôn ói, ăn những món lạt như bánh quy, cơm, chuối hoặc bánh mì.
  • Bạn có thể quay lại chế độ ăn kiêng sau vài ngày nếu các triệu chứng không xuất hiện trở lại.
Quay trở lại trung tâm cấp cứu trong bất kỳ trường hợp nào sau đây :
  • Cơn đau tồi tệ hơn hoặc bắt đầu nôn ói, sốt cao, không tiểu được hoặc quặn ruột.
  • Có bất kỳ triệu chứng nào tồi tệ hơn hoặc mang tính báo động.
  • Cơn đau không giảm sau 24h
Phòng ngừa

Nếu chẩn đoán đã được xác định, bạn nên theo những hướng dẫn đặc biệt đối với kết quả chẩn đoán đó.
  • Chẳng hạn như nếu cơn đau gây ra bởi vết loét, bạn nên tránh các chất nicotine, caffeine và rượu. 
  • Nếu nguyên nhân từ bệnh túi mật, bạn nên tránh các chất mỡ, chất béo và các thức ăn chiên.
Triển vọng

Nói chung, hầu hết các cơn đau biến mất mà không cần phẫu thuật và hầu hết các bệnh nhân chỉ cần không nên quá lo lắng về nó.
Các nguyên nhân nội khoa thường có kết quả tốt, nhưng cũng có một số ngoại lệ.
Các nguyên nhân ngoại khoa thay đổi tùy vào độ nặng của từng trường hợp và cơ địa của bệnh nhân.
  • Nếu bạn bị viêm ruột thừa hoặc sỏi mật đơn giản, bạn có thể sẽ phục hồi sau phẫu thuật mà không có những di chứng về sau.
  • Nếu bạn bị thủng ruột thừa, viêm túi mật, thời gian phục hồi sẽ kéo dài.
  • Đau bụng với nguyên nhân do loét thủng hoặc tắc ruột cần phải có một cuộc đại phẫu và thời gian phục hồi kéo dài.
  • Nếu gặp vấn đề với những mạch máu lớn, như thoát vị hoặc nghẽn, tiến triển của bệnh sẽ xấu.




Không có nhận xét nào:

Syria: Lính đánh thuê Nga từng thảm bại trước biệt kích Mỹ

Trọng Nghĩa Đăng ngày 28-05-2018  Sửa đổi ngày 28-05-2018 14:31 Lính Mỹ (t) và lực lượng nổi dậy Syria FDS tại tỉnh Deir Ezzor, ngày 01...